Mắm tép Cà Mau

Mắm tép, từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc và phổ biến của người Cà Mau, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng sắm một keo mắm tép để ăn Tết!

Không giống như những loại mắm làm từ con tôm (tép) như mắm tôm ở Bắc, mắm ruốc ở Huế, mắm tôm chà ở Gò Công, mắm tép Cà Màu sau khi thành phẩm vẫn giữ được hình dáng của con tép, màu mắm đỏ au, nhìn rất hấp dẫn, chỉ muốn thưởng thức ngay.

Để có một keo mắm tép thơm ngon, người Cà Mau chọn những con tép đất còn tươi sống, không quá lớn mà cũng không quá nhỏ để làm mắm.

Tép đất – có nơi gọi là tôm đất, có nơi gọi là tép đất, riêng người Cà Mau xưa nay vẫn quen gọi là tép đất.

Tép đất đem về rửa nước muối cho sạch, lặt bỏ phần đầu, rút chỉ (phân tôm) để ráo rồi rửa lại bằng rượu trắng, ướp qua một ít mật ong rồi sắp vào keo. Tiếp đến nấu nước mắm đường cho vào keo cùng với một ít tỏi ớt xắt mỏng rồi đem phơi nắng, phơi đến khi con tép chuyển qua màu đỏ au, bắt mắt là có thể dùng được.

Cầu kỳ hơn, nhiều người Cà Mau ướp mắm bằng mật ong rừng U Minh, nước mắm nhĩ Phú Quốc, lúc này mắm tép sẽ đỏ hơn, thơm hơn và ngon hơn nhiều.
Mắm tép trộn với đu đủ, cái vị giòn giòn ngọt ngọt của đu đủ mỏ vịt càng làm tăng thêm độ ngon của món mắm tép.

Mắm tép có thể dùng ăn ngay hoặc khi ăn có thể trộn thêm với một ít đu đủ mỏ vịt xắt nhỏ. Món mắm tép ăn với cá lóc nướng hoặc thịt ba rọi (ba chỉ) luộc đều ngon. Ăn mắm tép nhất định phải có một ít rau sống, khóm, khế chua, chuối chát mới đầy đủ hương vị được.

Mắm tép ăn với thịt ba rọi luộc, hai món này tương hỗ lẫn nhau nên ăn mà không thấy ngán, khiến người ta chỉ muốn ăn mãi.

Đặc biệt, mắm tép ăn với cá lóc nướng trui kèm rau sống thì nó thể hiện đầy đủ triết lý âm dương ngũ hành, ngũ vị trong ẩm thực Việt: Tép có tính hàn thuộc âm, gừng có tính nóng thuộc dương; Vị mặn (thủy) của con tép hòa trong vị đắng (hỏa) của mật cá cùng với vị chua (mộc) của khế, vị cay (kim) của ớt, vị ngọt (thổ) của cơm thì đủ cả ngũ hành Thủy – Hỏa – Mộc – Kim – Thổ. Còn về màu sắc thì có màu xanh của rau sống, màu đỏ của ớt của mắm tép, màu vàng của thơm, màu trắng của cơm của bún của thịt cá, màu đen của mật của da cá nướng, đủ cả ngũ sắc Xanh – Đỏ – Vàng – Trắng – Đen. Một món ăn mà chứa đựng trong nó triết lý nhân sinh, đầy đủ cả hương vị lẫn màu sắc thì món ăn ấy phải ngon và bổ dưỡng biết mấy!

Mắm tép ăn với cá lóc nướng trui, món ăn thể hiện đầy đủ triết lý âm dương ngũ hành, ngũ vị của ẩm thực Việt.

Trong nỗi nhớ của người Cà Mau xa quê mỗi khi Xuân về Tết đến, có nỗi nhớ mắm tép! Nhớ màu đỏ au của con mắm phơi trong cái nắng chứa chan hương rừng đất biển, nhớ vị mằn mặn, chua chua của con tép trong những bữa cơm gia đình quây quần bên những người thân, nhớ dáng mẹ lưng còng ngồi lặt từng con tép đất, làm nên món ngon đậm tình Cà Mau!